Luật Bình đẳng giới (Luật số 73/2006/QH11) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Mục tiêu bình đẳng là “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Một số nội dung cơ bản liên quan đến giới và bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới như sau:
1. Giới và giới tính
- Giới: Chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
- Giới tính: Chỉ các đặc điểm sinh học của nam và nữ.
(Khoản 1, 2 - Điều 5 Luật Bình đẳng giới).
* Sự khác biệt căn bản giữa giới và giới tính:
- Giới: Là đặc trưng xã hội; do học tập, nghiên cứu mà có; nó mang tính đa dạng, phong phú và có sự khác biệt giữa các vùng/miền, vị trí địa lý,…
- Giới tính: Là đặc trưng sinh học; mang tính bẩm sinh/có sẵn; đồng nhất ở mọi nơi; bất biến và không thay đổi theo thời gian,…
2. Khoảng cách giới
- Là sự khác biệt hoặc bất bình đẳng giữa trẻ em gái và trẻ em trai, giữa nam và nữ trong một trường hợp cụ thể, liên quan đến các điều kiện, sự tiếp cận và thụ hưởng nguồn lực.
- Khoảng cách giới do chính con người và xã hội tạo ra. Và khoảng cách giới có thể thay đổi.
3. Bình đẳng giới và các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
* Bình đẳng giới: Là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (Khoản 3 - Điều 5 Luật Bình đẳng giới).
* Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
- Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
- Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới.
- Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
- Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới.
- Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
- Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.
(Điều 6 - Luật Bình đẳng giới).
4. Vai trò giới: Chỉ những công việc và hành vi cụ thể mà xã hội trông chờ ở mỗi người với tư cách là nam giới hoặc phụ nữ.
- Vai trò giới là những công việc, những hoạt động khác nhau mà nam giới và phụ nữ thực tế đảm nhận.
- Vai trò giới khác nhau ở những bối cảnh xã hội, lịch sử khác nhau.
- Vai trò giới gồm 3 loại: Vai trò sản xuất; vai trò tái sản xuất và vai trò cộng đồng.
5. Vấn đề giới:
- Chỉ sự bất bình đẳng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó của đời sống xã hội và gia đình.
- Vấn đề giới, bao gồm: Sự khác biệt hoặc khoảng cách tạo ra bất bình đẳng giữa hai giới (nam và nữ).
6. Định kiến giới:
- Là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ (Khoản 4 - Điều 5 Luật Bình đẳng giới).
- Định kiến giới là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm; là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới.
- Các định kiến giới thường theo xu hướng thiên lệch, ít tích cực, thậm chí đôi khi còn mang tính tiêu cực, dẫn đến sự sai lệch và hạn chế trong việc nhìn nhận, đánh giá những điều mà cá nhân nam hoặc nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm.
- Định kiến giới, khuôn mẫu giới có liên quan đến nhau và xuất phát từ quan niệm, kỳ vọng xã hội. Chúng đều là nguyên nhân gây nên sự bất bình đẳng giới.
7. Phân biệt đối xử về giới: Là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (Khoản 5 – Điều 5 Luật Bình đẳng giới).