Bệnh sởi do virus gây ra. Virus sởi một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae và chỉ có một vật chủ tự nhiên là con người. Sởi là một bệnh lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.
Vì sao bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch?
Theo công bố của UNICEF, sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Bệnh sởi cũng có thể lây lan nếu như một người nào đó chạm vào một bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ hoặc ăn uống khi chưa rửa tay.
Vi rút sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo. Vì thế, một người khỏe mạnh có thể mắc bệnh sởi nếu ở chung với người nhiễm vi rút sởi hoặc chỉ qua tiếp xúc gián tiếp trong vòng 2 giờ.
Là một bệnh lý có tính chất lây nhiễm rất cao thông qua việc nuốt hoặc hít những hạt dịch tiết đường hô hấp từ một người bị nhiễm thông qua hắt hơi hoặc ho, virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin
Triệu chứng khi mắc bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm chết người thường tấn công trẻ em. Sau một thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, bệnh sởi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Sốt,
- Ho khan,
- Sổ mũi,
- Ăn không ngon,
- Chảy máu cam,
- Đau họng,
- Viêm kết mạc,
- Xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má.
Giai đoạn ủ bệnh và nhiễm trùng kéo dài từ hai đến ba tuần.
Trong 10 đến 14 ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm. Người bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh sởi trong thời gian này. Vì là những triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, bệnh sởi thường bắt đầu bằng sốt nhẹ đến trung bình, kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm kết mạc và đau họng. Dấu hiệu này có thể kéo dài hai hoặc ba ngày.
Sau đó xuất hiện các nốt phát ban, những đốm nhỏ màu đỏ, hơi sưng. Vài ngày sau những vết mẩn ngứa khó chịu bắt đầu lan ra khắp cơ thể, bắt đầu trên mặt và cổ và di chuyển xuống dưới. Phát ban thường kéo dài trong ba đến năm ngày và sau đó biến mất. Đồng thời, cơn sốt tăng mạnh, thường cao tới 40 đến 41 độ C.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi là gì?
Trong những trường hợp không biến chứng, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần.
Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do vi rút sởi. Những điều này thường xảy ra ở trẻ nhỏ (trẻ em dưới 5 tuổi), ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.
Ngoài ra, một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh sởi có thể gây ra cho bệnh nhân như:
- Viêm tai giữa cấp xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.
- Viêm phổi nặng xảy ra khoảng 1/20 số trường hợp bị mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm não, xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người mắc bệnh sởi.
- Tiêu chảy và ói mửa do sởi, thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.
- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu nhiễm sởi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Phụ nữ có thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân.
Điều trị bệnh sởi như thế nào?
ThS. BS. Bùi Ngọc An Pha – Giám đốc Y khoa Trung tâm tiêm chủng dành cho Trẻ em và Người lớn VNVC – khuyến cáo:
Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.
Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.
Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.
Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.
Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.
Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, như sốt lặp lại, ho nhiều hơn và có đờm, hay nheo mắt vì chói, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, co giật, li bì, trẻ mệt hơn, thở nhanh nông, khàn tiếng hoặc mất tiếng hoặc có các biểu hiện bất thường khác… cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Phụ nữ mang thai bị mắc sởi đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có pháp đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.