Trước đây mười ngày, mẹ mới biết Internet cần thiết thế nào, khi mẹ thèm được nhìn mặt chú bộ đội con của mẹ.
Ông bà ngoại, ba và các dì chẳng thể nào nhận ra đâu là “chú bộ đội nhà mình” giữa cả trăm chú thấp như nhau, gầy như nhau, trắng trẻo như nhau.
Ai cũng trông vào con mắt bị cận của mẹ, hỏi: “Nó đâu? Nó đâu?”. Tại mọi người không biết nên chỉ tìm trong đoàn bộ đội nhí nhảnh hành quân, xem những chú nào gầy nhất, chú nào hay nói chuyện với những chú khác nhất, hoặc chỉ chăm chăm vào những chú đeo kiếng cận dày nhất. Như thế thì khó tìm cũng phải.
Chỉ có mẹ để ý ngay một chú dùng cả ngón tay cái để ngoáy vào mũi, xong còn khịt khịt, vò vò thứ lấy ra trong mũi thành một viên bi, bắn lên trời. Hoặc mẹ chỉ cần coi chú nào có hành động kéo cổ áo lên để lau miệng, lau mồ hôi trên mặt - những tật mà mẹ vẫn khẻ tay chú bộ đội của mẹ hằng ngày, thế là tìm ra con.
Cả nhà mình thích nhìn chú bộ đội lần đầu đi chân đất khệnh khạng, chú cầm cuốc đào đất, hất đất văng vào mặt mình, chú bộ đội giúp cô bộ đội cột tóc... Thích nhất là nhìn chú bộ đội vắt khăn mặt lên vai, tay cầm bàn chải đánh răng, mắt nhắm mắt mở vào lúc 6g sáng đứng xếp hàng trước một cái vòi nước đã có hàng chục người đứng trước.
Trông ngược hẳn với con trai của mẹ ở nhà, sáng nào cũng leo lên lưng ba, được ba chuẩn bị sẵn cho bàn chải đánh răng, còn phải ngồi đếm xem là đánh đủ một trăm hai mươi cái chưa.
Riêng mẹ thích nhất khoảnh khắc chú bộ đội ngồi viết thư dưới đèn cầy nhỏ xíu. Mẹ chắc chú mong được viết thư cho nhà mình lắm, nên mới hăng say như thế (còn không hay mình bị quay phim).
Nhưng sao thư viết cho mẹ và ba lại gọi là “tía” và “má” nhỉ? Ban đầu đọc, mẹ không tin là thư viết cho mình. Đến đoạn thư hỏi “gà vịt nhà mình lúc này lớn chưa ạ?”, “ruộng vườn lúc này cây trái có sai quả không?” - mẹ nghi ngờ. Đọc đến “con nhớ tiếng chim trong khu vườn nhà mình mỗi sáng”, “con thèm được hái hoa bưởi cho má gội đầu”... thì mẹ tưởng là của một chú bộ đội gửi cho bà mẹ nào đó có một khu vườn thật, chứ không phải là mẹ ở trong chung cư chỉ có hai phòng ngủ, mở cửa ra là thấy một cái chung cư khác cũng như nhà mình.
May nhờ có yêu cầu “tía má nhớ mua và gửi cho con cây súng AK trị giá bốn chục ngàn đồng tại tiệm đồ chơi Mỹ Hồng gần nhà mình”, lại còn vẽ hình cây súng ở bì thư, mẹ mới ngờ ngợ là người quen. Đọc thêm chút nữa, người viết bảo là “con cũng cần mượn thêm cái điện thoại của tía để chơi xây thành phố và xếp gạch” thì mẹ biết ai. Nhất là người ấy còn bảo “con nhớ tất cả mọi người (trừ nhỏ em gái đáng ghét chuyên giành đồ chơi của con)”.
***
Vì dòng chữ này mà mẹ phải giấu, không cho em đọc (nếu biết, thế nào nàng cũng khóc cho coi). Nhưng ba lại nhanh nhảu bảo: có thư của chú bộ đội gửi về. Mẹ nháy mắt với ba, bảo lại: thư của anh Hai viết riêng cho mẹ.
Thế mà em buồn mấy ngày, sáng nào coi thùng thư xong cũng thắc mắc: sao anh Hai không viết thư cho con?
Mẹ phải nói dối thêm lần nữa: quân đội kỷ luật khắt khe lắm, anh Hai chỉ được phép viết một bức thư trong vòng năm phút thôi, còn bao nhiêu việc phải làm. Mẹ kể: nào là đi tập bắn súng, nào là nấu cơm, cuốc đất trồng rau, tưới rau...
Thế mà “cô ấy” tin, đã viết cho con một bức dài hai trang giấy, nhờ mẹ gửi cùng với trái cây và thức ăn.
Mẹ bảo: mẹ cam đoan không đọc. Nhưng nàng vẫn nhất định phải dùng bao thư - không phải loại có sẵn mà là tự tay mình cắt, dán. Nàng còn bỏ cả buổi chiều để vẽ hình hai anh em đang cầm tay nhau trên bì thư, không quên vẽ một mũi tên, chỉ “anh Hai mở thư chỗ này nè”.
Mẹ tiếc quá, không cầm được thư lên cho con được, vì như thế là không đúng quy định của chương trình lần này.
***
Ba có xin mẹ cho đọc, nhưng mẹ nhất định không.
Nói thêm nhé, ba lúc này hư lắm. Đến bây giờ, vẫn còn kể cho mọi người về chuyện mẹ con mình mùi mẫn lúc tiễn con đi. Nào là mẹ khóc như mưa, nào là con ngồi trên xe, đầu còn ngoái lại nhìn mẹ, hít hít...
Lần nào cũng vậy, ba còn nói thêm với người ta: “Tôi bây giờ khỏe lắm, có hai con - một vào năm ba và một đang đi bộ đội”. Những lúc đó, mặt ba trông rất kiêu căng nhé.
Mẹ nghĩ phải cho ba biết chúng mình - một đã biết nấu cơm ngày ba bữa, một đã đi bộ đội mười ngày và một đang học năm ba mẫu giáo - đã lớn thật sự, cần ba che chở ít thôi.
Cụ thể, bây giờ mẹ đã không cần ba mới mở được máy tính. Em của con không cần ba cõng ra khỏi giường vào mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật (đang tiến tới phấn đấu cả tuần đều như thế).
À! Hay việc đầu tiên con bắt đầu làm sẽ là sáng mai thức dậy, bảo với em cách để tự ra khỏi giường thật sớm, như con đã từng làm được trong những ngày ở quân đội? Em sẽ không dám cãi “anh có làm được đâu mà bảo tôi”, vì dù sao đã cùng mẹ xem những gì con làm được qua Internet rồi (tròn xoe mắt vì nể con ạ!).
Còn bây giờ, mẹ chúc chú bộ đội một đêm ngon giấc sau thời gian quân ngũ trở về. Chắc là phải nhớ tấm nệm và cái “gối ghiền” lắm rồi nhỉ?
Mẹ của con.
Tái bút: Không hẳn vì tò mò, nhưng mà mẹ biết ai đã là bộ đội rồi thì thể nào cũng đều quý những lá thư quê nhà. Hay là mình mở thư của em ra đọc, nhỉ? Cái thư để ở đâu, mẹ quên rồi. Con cứ tìm trong phòng, nếu không gặp thì thử lật dưới gối lên xem có không nhé.