Chế độ dinh dưỡng không hợp lý trong 5 năm đầu đời, thiếu quá nhiều vi chất cần thiết cũng như thiếu kiến thức nuôi con... khiến trẻ thấp còi.
PGS.TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam chia sẻ: “Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý trong 5 năm đầu đời, thiếu quá nhiều vi chất cần thiết. Thêm nữa, khẩu phần của trẻ chỉ đáp ứng 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D khuyến nghị”.
Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A ở mức độ nặng với tỉ lệ 37,5% ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, 24% trẻ bị thiếu máu, 41,5% bị thiếu kẽm dẫn đến trẻ bị dối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn đường hô hấp và còi xương.
Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi do trẻ không được bổ sung đầy đủ chất trong bữa ăn.
“Ngoài ra, suy dinh dưỡng thấp còi cũng bị ảnh hưởng từ hệ tiêu hóa yếu kém, nhiễm ký sinh trùng, dị tật bẩm sinh, cũng như do thiếu kiến thức nuôi con”, PGS.TS Khánh Dung chia sẻ thêm.
Để giúp trẻ thoát nhanh suy dinh dưỡng thấp còi, TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng, từ đó tăng cân nhanh chóng.
Theo đó, trẻ cần ăn nhiều các thực phẩm giàu năng lượng và dưỡng chất để bổ sung kịp thời các vi chất thiếu hụt; sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dễ hấp thu, dễ tiêu hóa. Bên cạnh đó, không thể thiếu việc bổ sung các vi chất hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Sau đây là một số bí quyết giúp trẻ tăng cân:
- Nên uống sữa mỗi ngày
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, khoa Dinh dưỡng lâm sàng Viện Dinh dưỡng, khuyến nghị nên bổ sung sữa cho trẻ mỗi ngày để giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Trong đó, nên sử dụng dòng sản phẩm đặc chế cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hiện nay.
“Theo nghiên cứu lâm sàng bổ sung dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi trên 196 trẻ 2 - 5 tuổi tại tỉnh Tuyên Quang, kết quả cho thấy bổ sung 2 ly sữa mỗi ngày giúp trẻ tăng cân sau 3 tháng, cải thiện chiều cao và tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi; giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và bệnh tiêu hóa, giảm tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin D và thiếu kẽm", TS.BS Hưng chia sẻ.
- Tăng lượng dầu mỡ trong buổi ăn
Khi bé được 1 tuổi, không nên chỉ cho bé uống nguyên sữa mẹ vì lúc này nhu cầu dinh dưỡng của bé cần nhiều hơn thế. Vì vậy, khi bé đến tuổi ăn dặm, bạn nên nấu bột hoặc cháo của bé đặc thêm một chút. Vì bột hoặc cháo loãng thì lượng năng lượng trong đó rất thấp.
Tăng lượng dầu mỡ trong bữa ăn của bé. Vì dầu mỡ cung cấp năng lượng gấp đôi chất bột và chất đạm. Mỗi chén bột, cháo hoặc cơm của trẻ cần có một muỗng canh dầu hoặc mỡ.
Nhiều mẹ hiện nay chỉ ninh nhừ lấy nước, hoặc xay lấy nước các thực phẩm cho bé ăn. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thức ăn nên đủ chất dinh dưỡng nhưng phải cho bé ăn cả xác các thực phẩm. Do đó, khi chế biến phải chú ý xắt nhuyễn, nấu mềm và nêm phù hợp với khẩu vị của bé.
- Tăng bữa ăn hàng ngày
Bạn có thể cho bé ăn ngày 5 - 6 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa. Cho bé ăn thêm bữa tối trước khi ngủ. Cho trẻ ăn thêm bữa phụ.
- Tăng hoạt động cho bé
Bên cạnh việc bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho bé, bạn nên cho bé tập những hoạt động thể lực vừa với độ tuổi như: giúp bé đi bộ từng bước, nằm trên giường và cho chân tay hoạt động hay cho bé tập bò để lấy đồ vật.
Khi tham gia các hoạt động thể lực này, bé sẽ cảm thấy đói và cần nhiều năng lượng hơn, vì thế trẻ cũng sẽ ăn nhiều hơn.
- Nên tăng vi chất kẽm trong bữa ăn
Kẽm là một trong những vi chất quan trọng nhưng lại rất dễ bị thiếu hụt bởi các bà mẹ thường ít lưu ý đến vi chất này. Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10mg/ngày.
Một số dấu hiệu điển hình của việc thiếu kẽm mà các bà mẹ nên lưu ý như: thường hay bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn trớ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, hay khóc về đêm.
Thiếu kẽm còn gây tổn thương các biểu mô: Viêm lưỡi, rụng tóc... Thiếu kẽm dẫn đến chậm lớn, thiểu năng sinh dục, trẻ biếng ăn, chán ăn.