Cùng với sự phát triển của xã hội, các vấn đề liên quan đến xâm hại, bạo lực, mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ngay trong gia đình gây nên hậu quả rất nghiêm trọng cả về thể chất, tinh thần, kinh tế và xã hội.
Tại hội nghị truyền thông trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới do Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc không chia sẻ công việc gia đình, không chia sẻ trách nhiệm trong việc lao động kiếm tiền, ép phụ nữ phải sinh con trai, xâm phạm bí mật, thông tin cá nhân… đều là các biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới. Thực tế những năm qua cho thấy, nạn nhân chủ yếu của bạo lực trên cơ sở giới vẫn là trẻ em và phụ nữ. Trong đó, có nhiều trường hợp dẫn đến tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền. Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ em. Theo khảo sát nghiên cứu của Trung tâm Thanh Thiếu niên miền nam, khi trẻ vị thành niên chứng kiến bố mẹ có hành vi bạo lực, 85,4% trong số đó có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% trẻ cảm thấy sợ hãi; 12,7% mất đi sự tôn trọng đối với bố mẹ, thậm chí 5,5% còn lại muốn bỏ nhà ra đi. Hậu quả con cái sẽ xa rời gia đình, dễ tiếp thu những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Theo báo cáo này, những vụ bạo lực gia đình có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế hoặc ảnh hưởng đến năng suất lao động của người phụ nữ do bạo hành gây ra.
Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn cung cấp kiến thức, kỹ năng để mọi người nhận biết và ứng phó tốt với bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, với việc được trang bị đủ thông tin, người dân sẽ mạnh dạn tố giác tới cơ quan, đơn vị chức năng khi bản thân, người thân, những người chung quanh mình bị bạo lực để được trợ giúp.