Chị Nguyễn Thị Thanh Phương – nhân viên y tế trường mầm non Hoa Hướng Dương, sinh năm 1974, tại một làng quê yên bình và giàu truyền thống văn hóa tại Ninh Xá , thành phố Bắc Ninh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã mang trong lòng niềm mong ước được chăm sóc và chữa trị cho những người không may gặp vấn đề về sức khỏe.
Với tình yêu, lòng bao dung và tâm nguyện sẵn sàng giúp đỡ những người không may mắc những căn bệnh hiểm nghèo, năm 1997, khi còn chập chững bước vào ngành y, chị đã chọn công tác tại bệnh viện tâm thần Gia Lâm, Hà Nội. Nhắc lại quãng thời gian chăm sóc các bệnh nhân tâm thần, chị đã nghẹn ngào chia sẻ với tôi: “Các bệnh nhân ở đây đáng thương lắm em à, mỗi người mỗi cảnh ngộ, khi vào đây họ đều đã phải trải qua những nỗi đau, cú sốc cùng biết bao sự mất mát. Làm y tá điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân, chị luôn coi những bệnh nhân ở đây như những người thân của họ, để chăm sóc, chia sẻ và thấu hiểu, giúp họ sớm vượt qua để trở lại với cuộc sống bình thường…” Nói đến đây mà chị nghẹn ngào với hai dòng nước mắt ứa lại, phải là con người sống tình cảm và giàu lòng yêu thương lắm mới có thể tận tậm và hết lòng vì bệnh nhân và công việc đến như vậy. Nghe chị chia sẻ, tôi thực sự cảm phục chị biết nhường nào. Một chút lặng đi, tôi lại được tiếp tục nghe câu chuyện của chị: “ Ngày chị mới đi làm cũng gặp khó khăn lắm em ạ, mình chưa quen với công việc, bệnh nhân thì mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, lúc bình thường thì không sao, lúc phát bệnh thì cứ coi mình như là kẻ thù ấy em ạ, bao nhiêu uất hận, dồn nén họ đẩy hết vào bác sĩ và nhân viên y tế ở đây, tuy vậy nhưng ai cũng thương, ai cũng sót, chị cũng kìm lòng để giúp bệnh nhân có thể vượt qua những thời khắc khó khăn ấy. Dù đau thật đấy, dù sốc thật đấy, nhưng thấy bệnh nhân ngày một hồi phục hơn, chị lại lấy đó là nguồn động lực để cố gắng hơn mỗi ngày”.
Gắn bó nhiều năm với công việc tại bệnh viện, đến năm 2010, chị lại bén duyên với các bé mầm non thân yêu khi nhận nhiệm vụ là nhân viên y tế của trường mầm non Ngôi sao xanh, Long Biên, Hà Nội. Nói đến đây, đôi mắt của chị ánh lên niềm hạnh phúc khi được gắn bó cùng những đứa trẻ ngây ngô, đáng yêu và luôn ngập tràn sức sống. Tôi như bị lạc vào trong câu chuyện của chị khi chị kể về những đứa trẻ đáng yêu, khi chị được hàng ngày gần gũi với bọn trẻ, bởi ở đây, chị không chỉ là nhân viên y tế, chị còn được chăm sóc những đứa trẻ như một người mẹ, bảo ban chúng như một người cô, và vui đùa bên chúng như một người bạn.
Một lần tình cờ, khi tôi được nói chuyện cùng đồng nghiệp cũ của chị, tôi được nghe bạn ấy chia sẻ về chị:“Tôi còn nhớ, ngày tôi mới về công tác tại trường, tôi được phân công giảng dạy lớp B1. Vào một ngày cuối năm tháng 10, bé Lê Thục Anh lớp tôi vào buổi chiều có dấu hiệu bị mệt, sốt. Đó là học sinh đầu tiên của tôi phải xuống phòng y tế. Sau khi xuống phòng y tế, bé đã được chị Phương- nhân viên y tế học đường thăm khám, đo nhiệt độ và cho uống thuốc tại chỗ. Từ việc dìu cháu lên giường cho đến thái độ lo lắng từng chút của cô chẳng khác gì hình ảnh của một người mẹ đang ân cần chăm sóc bé Thục Anh. Nhìn những việc làm ấy của chị, tôi vô cùng xúc động”
Hỏi các đồng nghiệp khác tôi được biết, chị luôn dịu dàng, tận tâm với trẻ như vậy. Những công việc như thế vẫn diễn ra ngày hai buổi đối với chị. Chị luôn gần gũi, yêu quý trẻ và luôn coi các em cũng giống như con cháu mình. Thỉnh thoảng nhìn chị quan tâm rửa vết thương, dỗ dành từng bé uống thuốc, không ít người nghĩ đó là hình ảnh đẹp của tình mẫu tử thương yêu. Nhìn thấy trẻ gặp tai nạn khi chơi đùa, chị lo bằng nỗi lo người mẹ vì sợ các con đau. Chính nhờ sự ân cần, dịu dàng,tận tụy chăm sóc của chị mà các con đỡ sợ khi ốm, mệt hay bị ngã; phụ huynh thêm yên tâm khi đưa con đến trường. Sau đó, dù chỉ là một lời cảm ơn từ phía phụ huynh, chị cũng đã vô cùng xúc động,chính điều đó đã giúp chị có thêm động lực, thấy mình thêm yêu công việc của mình.
Tâm sự với chị tôi được biết, chị luôn tâm niệm làm sao trở thành một nhân viên y tế học đường tâm huyết. Ngoài những kiến thức về chuyên môn đã được học trong trường, chị còn luôn chịu khó học hỏi qua sách báo, mạng internet, đặc biệt là những đợt tập huấn chuyên ngành từ trung tâm y tế Quận, Hội Chữ thập đỏ...Không những vậy, chị còn đọc rất nhiều sách tìm hiểu về tâm lý trẻ em để dỗ dành, giúp các em an tâm hơn khi ốm, mệt hay tai nạn học đường xảy ra.
Chị Phương là tấm gương về một con người thầm lặng, nghiêm túc, chỉnh chu cho công việc của mình, gắn bó với nghề nhiều năm như vậy, nhưng khuôn mặt chị lúc nào cũng vui vẻ, phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi. Dù là người không quyết định trực tiếp đến thành tích kết quả của nhà trường nhưng chị giữ một vai trò hết sức quan trọng, giáo viên, học sinh hễ ốm mệt, sốt, đứt tay, chảy máu đến đau đầu, đau bụng,…Ai ai cũng xuống cô y tế đầu tiên. Nhìn chị chăm sóc các con, hỏi han, dỗ dành chẳng khác nào người mẹ. Công việc của chị ngoài việc lập kế hoạch hoạt động y tế học đường theo năm còn lập nhiều kế hoạch y tế khác theo từng “mùa” dịch bệnh, theo từng diễn biến thực tế của các bệnh có thể bùng phát trong trường học, cô còn là người quản lý hồ sơ y tế của tất cả học sinh trong trường, nắm vững bệnh lý của từng trường hợp đặc biệt, cần lưu ý trong trường. Chị tiếp nhận và thông báo kịp thời đến gia đình. Với tình hình bệnh dịch phức tạp hiện nay, chị còn chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay chân miệng, viêm não mô cầu... Không những vậy, chị còn chịu trách nhiệm, kiểm tra về vấn đề an toàn VSTP trong bếp ăn bán trú của trường mà còn phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhà bếp.
Cứ thế, công việc cuốn như thoi đưa. Những niềm vui và nỗi buồn gắn bó với trường đã giúp chị hiểu rất rõ công việc mình đang làm. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, học sinh, chị còn làm rất nhiều các công viêc kiêm nhiệm khác. Khoác chiếc áo blouse trắng, bằng sự sự dịu dàng, ân cần, chị đã truyền cảm hứng và lan tỏa những việc làm đến các cô giáo trong trường. Hình ảnh của chị rất đẹp trong lòng các con.
Trong thời gian vừa qua, cả nước chung tay phòng chống dịch viêm đường hô hấp COVID 19, với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Phường Việt Hưng, Phòng giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường chị luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền về phòng chống COVID -19. Chị đã bắt tay ngay vào những công việc cần làm và cấp thiết nhất để có phương án phòng tránh bệnh tốt nhất cho nhà trường như: tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch, kế hoạch vệ sinh khử khuẩn hàng tuần, kế hoạch mua sắm các trang thiết bị, các chất tẩy rửa thông thường như: xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn tay nhanh, vim tẩy bồn cầu, nước lâu sàn, giấy vệ sinh, ….Và cùng Ban giám hiệu xây dựng kịch bản ứng phó và tập huấn cho CB,GV,NV khi có CB, GV, NV và học sinh bị nhiễm Covid 19 khi đi học trở lại rất thiết thực và cần thiết.
Đứng ở tuyến đầu chống dịch trên địa bàn phường Việt Hưng, chị đã không quản ngại ngày đêm vất vả hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng vacxin phòng ngừa Covid 19 trên địa bàn phường. Suốt những ngày hỗ trợ bệnh nhân F0 trên địa bàn phường, chị ngần như quên ăn quên ngủ. Chị luôn cố gắng hỗ trợ bà con một cách tốt nhất, đặc biệt những trường hợp F0 điều trị tại nhà, nhìn cách chị ân cần chăm sóc từng bệnh nhân, tôi dường như hồi tưởng được những ngày chị làm việc tại bệnh viện, cũng với con người nhỏ bé ấy, nhưng khi những bệnh nhân cần, thì chị lại trở nên khỏe mạnh một cách lạ thường.
Hàng ngày tận tâm nơi tuyến đầu chống dịch, nhưng chị vẫn không quên chăm sóc sức khỏe cho các bộ giáo viên nhân viên nhà trường. Nhớ có thời điểm giáo viên trường tôi mắc Covid tại nhà, chị đã luôn sát sao theo dõi diễn biến bệnh từng ngày, chị đem thuốc đến tận nhà cho chúng tôi, sét nghiệm theo quy trình, hướng dẫn cách điều trị tại nhà, và những yêu cầu cần thiết để cách ly tại nhà tránh lây nhiễm cho người thân và những người xung quanh. Thế mới biết, chị quan tâm và chu đáo với mọi người đến nhường nào. Ngay cả khi chúng tôi đi tiêm chủng phòng Covid 19, chị cũng là người tận tình hướng dẫn, quan sát, khám sức khỏe, đo thân nhiệt, huyết áp… cho chúng tôi. Khi tiêm xong, trong thời gian ngồi chờ tác dụng của thuốc, chị cũng không quên hỏi han, dặn dò chúng tôi những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm và cách khắc phục. Nhờ có chị tận tình chỉ bảo, chúng tôi biết cách khắc phục các phản ứng sau tiêm và có thêm nhiều kiến thức về phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Chị về trường Mầm non Hoa Hướng Dương công tác cùng chúng tôi từ những ngày trường mới thành lập, dù học sinh chưa được đến trường, nhưng chị vẫn quan tâm, theo dõi sát sao thông qua các nhóm lớp. Gắn bó với trường Mầm non Hoa Hướng Dương, cũng như tất cả CB-GVNV nhà trường, chị chẳng nề hà bất cứ công việc nào cả, từ vệ sinh trường, trang trí trường lớp, trồng cây, tạo cảnh quan nhà trường, cứ mỗi khi có chút thời gian nghỉ ngơi, chị lại bắt tay vào hỗ trợ cùng chị em trong trường. Hình dáng cô y tế bé nhỏ ấy, sao thân thương và trìu mến đến vậy.
Thầy thuốc là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, trân trọng. Có những người trực tiếp cứu chữa người bệnh, làm việc trong các cơ sở y tế. Cũng có những thầy thuốc “mang quân hàm xanh” như các chiến sĩ biên phòng. Cũng có những người thầy thuốc ngày đêm trong phòng mổ…Nhưng đâu đây lại có nhiều thầy thuốc với những đóng góp thầm lặng mà cực kỳ quan trọng bởi việc làm của họ đã góp phần không nhỏ đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh, phòng các bệnh hay mắc ở học đường như những nhân viên y tế trường học. Và hình ảnh Cô y tế Thanh Phương – nhân viên y tế tâm huyết, tận tình, ân cần và giàu tình yêu thương của trường Mầm non Hoa Hướng Dương trong tôi mãi mà một tấm gương tốt mà tôi luôn quý trọng và mong muốn được học hỏi nhiều từ chị
Mong chị sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc cao quý mà thầm lặng của mình.
Một số hình ảnh về chị Thanh Phương – nhân viên y tế trường Mầm non Hoa Hướng Dương