Nhằm tăng cường phổ biến pháp luật về phòng chống dịch Covid-19, Sở Tư pháp Hà Nội đã kịp thời ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Tư pháp đã có Công văn gửi tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó lưu ý các hoạt động PBGDPL phòng, chống dịch cần có nội dung và hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình phòng, chống dịch bệnh của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị và Sở Tư pháp các địa phương tiếp tục quan tâm tăng cường công tác PBGDPL về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cần đặc biệt chú ý hướng dẫn tập trung phổ biến các quy định về cách ly y tế; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh; tình hình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống Covid-19; tăng cường phổ biến các nội dung chính sách, pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Sở Tư pháp TP Hà Nội đã ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức phù hợp, đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung vào các nội dung liên quan đến chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo nội dung 16 hành vi, nhóm hành vi đã được ban hành tại văn bản trước đó của Sở Tư pháp.
Bên cạnh đó, kết hợp với xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phòng chống dịch bệnh. Biểu dương các tổ chức, cá nhân có giải pháp, sáng kiến sáng tạo, đấu tranh phê phán tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
Thời gian qua, tại các quận huyện trên địa bàn, để tiếp tục nâng cao ý thức tự giác cho người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch, UBND các quận huyện đã ban hành văn bản về việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch. Như tại quận Hoàn Kiếm, quận Thanh Xuân, quận Hà Đông, huyện Ba Vì… đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức như: triển khai mô hình xe tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua màn hình điện tử, hệ thống Đài truyền thanh cơ sở, qua tranh bích họa, trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến chế tài xử phạt các hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch. Kết hợp tuyên truyền việc xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức khi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Đẩy mạnh tuyên tuyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống dịch...
Cùng với Ngành Tư pháp, Ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng tích cực tuyên truyền các quy định về phòng chống dịch bệnh thông qua việc hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19” do TP Hà Nội tổ chức vừa qua. Đây là cuộc thi thu hút số lượng thí sinh cao nhất trong các cuộc thi tìm hiểu pháp luật từ trước đến nay với hơn 1 triệu người tham gia. Trong đó, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội là đơn vị có số lượng thí sinh tham gia cuộc thi nhiều nhất ở đối tượng sở, ban, ngành với hơn 10 ngàn người dự thi.
Thời gian tới, một trong những nội dung mà TP. Hà Nội sẽ tập trung tăng cường phổ biến đó là các chính sách của Nhà nước, sự chung tay của xã hội, cộng đồng hỗ trợ người dân, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; phổ biến, giáo dục, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình, cộng đồng và trẻ em về các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội dài ngày.
Trong đó, trọng tâm là việc tăng cường triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc trẻ em bị nhiễm, trẻ em phải cách ly y tế, trẻ em không có cha, mẹ và người thân chăm sóc do đại dịch Covid-19. Cùng với đó, cần đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời việc cung cấp, lan truyền các nội dung thông tin, truyền thông xấu, phản cảm, tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.