Có một loài chim nhỏ, đuôi dài, rất đẹp và duyên dáng, nhưng vì ở tận trong rừng sâu nên không ai biết được. Nó buồn lắm. Một hôm, nó gặp Hổ than thở:
– Thưa Chúa Sơn Lâm, ở trong rừng, từ chim Sâu, chim Gõ Kiến, Chèo Bẻo, Chích Chòe, cho đến Phượng Hoàng, chim Ưng, muôn loài đều có tên. Họ hàng nhà tôi khá đông lại đẹp cần cù, thông minh nữa. Ấy vậy mà chúng tôi không có tên tuổi gì cả. Như vậy là không công bằng, mong Chúa Sơn Lâm xem xét!
Hổ động viên:
– Yên Trí! Yên trí! Rồi đâu sẽ có đó. Theo ta, muốn có tên không khó. Cái khó là làm sao xứng với cái tên ấy thôi. Có gì đáng tự hào, nếu như nghe đến tên mình mà ai cũng căm ghét muốn tránh cho xa. Ta báo cho nhà chị biết, Phượng Hoàng đang mở cuộc thi làm tổ đấy. Nếu làm tổ khéo nhất, chắc chắn cả núi rừng này sẽ biết đến họ hàng nhà chị thôi.
Nghe Hổ nói vậy, nó phấn khởi quay về, tập trung cả họ hàng lại bàn việc làm tổ thế nào cho bền, cho đẹp. Theo phân công của chim mẹ, các chim thợ cần mẫn nhặt nhanh những cành lá úa dài, mảnh và bền cả những sợi bông, sợi len, sợi vải vương vãi dưới đất làm chỉ. Để bắt tay vào làm tổ, trước hết phải tìm hai cái lá to và chắc mọc sát nhau.
Chim mẹ dùng mỏ sắt thay kim khâu túm các mép lá lại. Sau khi dùi thủng mép lá, chim mẹ cắn chỉ dùi qua lỗ thủng của lá để khâu từ mép lá đến cuống lá rồi dùng bông, sợi cỏ, sợi vải mềm để “rải thảm” và “ốp tường”. Một tuần sau chiếc tổ xinh xinh vừa bền đẹp đã hoàn thành. Cứ y như một thợ may lành nghề khâu vậy.
Kết quả, chiếc tổ ấy được bình là chiếc tổ đẹp nhất, bền nhất và đại gia đình nhà chim “vô danh” kia được Phượng Hoàng tặng danh hiệu “chim Thợ May”. Danh hiệu ấy trở thành tên của loài chim Thợ May đấy các cháu ạ!