Chú vịt khàn
Gà và vịt đều học lớp cô giáo Họa Mi. gà nghe lời cô giáo: Khi đi đường, Gà luôn đi bên tay phải và gặp ai Gà cũng đứng lại khoang tay chào. Còn Vịt con thì chỉ thích chạy lăng xăng. Thấy ai, Vịt cũng hét toáng lên gọi tên ầm ĩ. Trên đường đi, thấy bác Ngỗng dẫn con ăn cỏ ở bờ rộng. đứng từ xa, Vịt con gân cổ gọi Ngỗng con ầm ĩ, làm bé Ngỗng út giật mình suýt rơi xuống nước. Thấy vậy, bác Ngỗng bảo: - Cháu muốn hỏi ai thì đến gần và nói nhj nhàng, đừng đứng ở xa mà kêu toáng lên như vậy là không tốt đâu! Trên lớp học, cô giáo Họa Mi dạy hát. Các bạn ai cũng khen Gà hát đúng giọng như cô dạy, còn Vịt thì gân cổ hát thật to, làm cô giáo phải nhiều lần nhắc nhở. Đến giờ chơi, Vịt con cứ chạy lăng xăng từ góc xây dựng sang góc phân vai rồi đến gốc nghệ thuật và hét vào tai các bạn làm các bạn đang chơi ở các góc đều giật mình. Cô giáo lại phải nhắc nhở Vịt, nhưng Vịt con vẫn chứng nào tật ấy. Hôm cô giáo cho đi thăm quan cửa hàng bán đồ chơi, khi vào cửa hàng, Vịt con cứ luôn mồm khen cái này đẹp, chê cái kia xấu. Cô giáo lại phải nhắc nhở. Trên đường về, Vịt con lại chẳng đi theo hàng cùng các bạn và cô giáo. Vịt con cứ chạy lăng xăng và bị vấp ngã. Vịt con kêu toáng lên và gào khóc ầm ĩ. Cô giáo Họa Mi phải đưa Vịt về nhà. Về đến nhà, Vịt con thấy mẹ lại làm nũng, khóc to hơn. Một lúc sau, Vịt con mệt quá, ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, Vịt con chẳng nói được nữa, mẹ phải đưa Vịt đến bác sĩ Sóc Nâu khám bệnh. Bác sĩ bảo: - Cháu bị khàn tiếng là do nói to, nói nhiều và hay khóc nhè. Vịt con nghe bác sĩ nói thấy hối hận lắm. Vịt cúi đầu thầm nghĩ: “Từ nay mình sẽ không như thế nữa”. Rồi Vịt định hứa với mẹ điều gì, nhưng giọng Vịt khàn mất rồi nên Vịt chỉ kêu được mấy tiếng “Cạp cạp cạp”. |