Rùa học bay
Trong một khu rừng nọ, chim sẻ đậu trên cành cây quan sát rùa một hồi lâu, rồi hỏi:
– Anh rùa ơi, anh đang làm gì thế.
– Tôi đang tập bay đó, chim sẻ à.
– Sao vậy? Chẳng phải anh đã chiến thắng trong cuộc thi chạy với thỏ đó sao? Tất cả là nhờ bốn chiếc chân của anh mà.
– Thôi thôi, chú em đừng nhắc nữa. Tôi và thỏ đã thi lại lần nữa, thỏ đã không ngủ quên giữa cuộc nên đã dễ dàng thắng tôi. Lần này tôi sẽ tập bay để quyết đấu một trận với thỏ.
– Nhưng mà anh đâu có cánh?
– Bất kể thế nào tôi cũng phải học bay cho bằng được, chim sẻ à!
Tập mãi, tập mãi mà rùa vẫn chưa bay được. Rùa ta bắt đầu suy tính.
– Thế này không ổn, mình phải đi mời thầy về dạy mới được.
Đúng lúc đó chim ưng bay qua, rùa reo to:
– A, đây chính là người thầy mà mình đang tìm kiếm.
– Anh chim ưng ơi, anh xuống đây cho tôi nhờ một lát với.
– Có chuyện gì vậy, rùa con?
– Anh chim ưng ơi, xin hãy dạy tôi biết cách bay như anh nhé.
– Cái gì cơ? Làm sao mà cậu bay được? Cậu không có cánh thì làm sao nhấc mình lên được chứ?
– Anh xem tôi có cánh rồi đây này. Xin anh hãy nhận tôi làm đồ đệ đi – Vừa nói rùa vừa đạp đạp hai chân trước làm cánh.
– Không được đâu! Cậu ảo tưởng quá đó.
– Tôi sẽ làm được mà! Anh dạy cho tôi đi. Tôi cầu xin anh đó.
– Thôi được, tôi đành dạy cho cậu vậy.
Chim ưng cắp rùa ta bay lên cao. Rùa sung sướng reo lên.
Chim ưng cắp rùa bay lên
– Ô la la, tôi đã biết bay rồi đây. Hãy buông tôi ra, tôi sẽ tự bay cao hơn nữa.
Dứt lời chim ưng thả ra, rùa con rơi thẳng xuống đất và nhận lấy cái chết thảm.
Ý nghĩa truyện ngụ ngôn Rùa học bay
Trong cuộc sống thay vì học theo những điều mà mình ngưỡng mộ từ người khác, ta hay đặt ra những mục tiêu phù hợp với khả năng của bản thân mình. Điều này giúp ta tự tin trên con đường đi của riêng mình. Nhờ phát huy hết sở trường và ưu thế của mình, cộng với sự kiên trì, nhẫn nại và bền bỉ, ta sẽ đạt được thành công lớn mà nhiều người mơ ước.
Bài học ý nghĩa từ truyện Rùa học bay còn dành cho những bậc cha mẹ. Chúng ta không nên bắt em con trẻ một cách thái quá theo một hình mẫu của người khác. Thay vì đó ta hãy bồi dưỡng dần con trẻ theo khả năng và niềm đam mê của bé. Có một chuyên gia giáo dục đã từng nói rằng: “Phương pháp giáo dục tốt nhất là phương pháp bồi dưỡng lòng yêu thích của trẻ”.